Có một nghề đem ánh sáng văn minh thắp sáng mọi miền của Tổ quốc từ thành phố đến hải đảo xa, từ nông thôn đến miền núi... Có ai đã từng nghĩ sau những ánh đèn điện hào quang lấp lánh kia, là sự hi sinh thầm lặng không nhỏ của của tập thể cán bộ công nhân viên ngành điện. Từ khâu sản xuất ra điện, truyền tải, đến khâu quản lý vận hành, kinh doanh bán điện cho khách hàng, ở mỗi khâu trong dây truyền sản xuất kinh doanh đều có lỗi vất vả, khó khăn riêng…
Con người chúng ta từ khi sinh ra và lớn lên đều có ước mơ và hoài bão để theo đuổi, lúc nhỏ ước mơ có nhiều quần áo đẹp được nhận nhiều bao lì xì vào những ngày lễ tết, sinh nhật… Lớn lên ước mơ chọn được 1 ngôi trường yêu thích, để mai sau ra trường có 1 cái nghề để cống hiến. Dù nghề ấy có được nhiều người biết đến và ngợi ca, hay chỉ là sự tôn vinh thầm lặng, đều đáng trân quý, không phải là bạc tiền hay cơm gạo...mà là sức người lao động đã tạo nên những giá trị chia sẻ mới là quý giá nhất. Khi đã chọn nghề, yêu nghề và hết lòng với công việc, gắn bó với công việc... hòa đồng với đồng nghiệp, góp phần nhỏ bé để tạo ra của cải vật chất, cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh giàu đẹp. Đó là cả 1 sự nỗ lực của mỗi cá nhân trong cộng đồng xã hội…
Tôi đã từng nghe những chia sẽ về sự gian nan, vất vả mà người thợ điện phải trải qua khi thực hiện công việc, nhưng kỳ thực có theo chân các anh mới tận mắt chứng kiến được các công việc thường ngày các anh đang làm. Các anh làm việc không quản ngại khó khăn, dù cho trời nắng hay mưa, bất chấp sự khắc nhiệt của thiên nhiên để giữ cho nguồn điện luôn thắp sáng mọi miền quê hương.

Bữa ăn tối vội vã của các anh công nhân Điện lực Cẩm Khê để tiếp tục công việc khắc phục sự cố lưới điện do ảnh hưởng của bão lốc trong tháng 05/2020 tại huyện Cẩm Khê.
Nhiều khó khăn, gian nan, vất vả
Tôi đã có dịp được tham gia cùng những người công nhân quản lý đường dây và trạm biến áp của Điện lực Cẩm Khê - PC Phú Thọ. Rong ruổi trên nhiều tuyến đường, ngõ xóm để xử lý sự cố trong đợt nắng nóng gay gắt kéo dài hay bão, lũ, giông lốc xảy ra liên tiếp trong thời vừa qua trên địa bàn hai huyện Cẩm Khê, Yên Lập của tỉnh Phú Thọ, tôi mới thấm thía hết những gian nan, vất vả mà các anh đã trải qua trong suốt bao năm công tác trong ngành điện. Bất kể lúc nào, dù sáng sớm hay đêm khuya, dù là ngày thường hay lễ tết, khi có tin báo khách hàng bị mất điện hay sự cố đường dây hoặc trạm biến áp ở đâu đó là các anh nhanh chân lên đường. Có những hôm các anh vừa bưng bát cơm lên ăn, bỗng nghe tiếng điện thoại reo xảy ra sự cố lưới điện, buông điện thoại và vội bát cơm còn đăng ăn dở, tay sách túi đồ, tay cầm phiếu công tác thế là các anh lại lên đường. Có những hôm gặp sự cố nặng, khi xử lý xong công việc cũng tới 2h, 3h sáng. Vừa mệt mỏi, vừa đói bụng các anh lót dạ vội gói mì tôm rồi tranh thủ ngủ tiếp để còn tiếp tục công việc ngày mai…
Công việc xử lý sự cố của các anh cũng giống như các y, bác sỹ chăm sóc người bệnh, chỉ cần chậm một phút là nhiều nhà phải chờ điện, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của bà con nhân dân. Vì vậy tinh thần luôn sẵn sàng, khẩn trương được khắc sâu vào tâm trí của những người thợ điện, chỉ cần "gọi là lên đường". Tất cả vì một mục tiêu đảm bảo an toàn, ổn định và bình yên của dòng điện.
Vẫn biết rằng mỗi một nghề đều có những thuận lợi và khó khăn riêng, nhưng với công việc của người thợ điện thì có lẽ không thể hình dung hết được những khó khăn hiểm nguy mà họ gặp phải trong khi làm việc. Ai cũng hiểu mạng sống của mình là quan trọng nhất nên ngoài việc luôn đảm bảo những quy định, quy trình an toàn điện, mỗi người phải luôn trang bị cho mình những kinh nghiệm riêng để bảo vệ bản thân. Vậy nhưng, thực tế công việc đôi khi họ không lường trước được những hiểm nguy đang rình rập phía trước, ngoài các yếu tố nguy hiểm về điện, các anh còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác nào là rắn, vắt hay ong đốt… Đôi khi chỉ một sơ suất nhỏ là có thể nguy hiểm đến cả tính mạng của mình.

Công nhân Điện lực Cẩm Khê sửa chữa lưới điện khắc phục sự cố
Mùa hè với cái nóng như đổ lửa, mùa đông với cái lạnh tê tái, lũ ống, lũ cuốn xảy ra khắp nơi, chia cắt nhiều tuyến đường giao thông nhưng các anh vẫn chân cứng đá mềm, bám đường dây, trạm biến áp để thực hiện công việc. Chắc hẳn trong cuộc đời mọi người đã từng một hay nhiều lần bắt gặp hình ảnh giữa trưa hè nắng nóng, những người thợ điện vẫn làm việc miệt mài, treo mình trên cột điện để thực hiện công việc cho kịp thời gian, hình ảnh đó hiện lên thật đáng khâm phục.
Tinh thần làm việc của các anh là thế, mặc dù vẫn biết ai cũng đói, cũng mệt dù những chiếc áo bảo hộ rất dày giờ đã ướt sũng mồ hôi dưới cái nắng oi ả 39, 40 độ, nhưng rồi các anh vẫn động viên khẽ bảo nhau "gắng cố tý nữa", cho xong việc rồi ăn cơm luôn thể, làm cho xong để kịp đóng điện. Nhìn những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt của những đồng nghiệp, đẫm ướt áo đồng phục, để lại trong tôi dòng suy nghĩ, để cho nguồn điện vươn tới mọi miền quê của Tổ quốc, không biết đã có bao nhiêu giọt mồ hôi như thế đổ xuống.
Niềm vui thầm lặng
Tình người thợ điện không chỉ là cố gắng khắc phục sự cố nhanh nhất, hạn chế cắt điện, mà còn là ở tình đồng nghiệp, tình cảm gắn bó với người dân, với khách hàng để hun đúc thêm niềm tin, nghị lực và lòng đam mê với nghề. Với hơn 28 năm gắn bó với nghề điện, anh Phạm Đình Phúc công tác tại đội quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp Nam Cẩm Khê - Điện lực Cẩm Khê chia sẻ: “Công việc của chúng tôi cũng bình thường như bao công việc khác, có niềm vui, cũng có nỗi buồn, có cả vất vả và sự cống hiến quên mình. Với tôi, niềm vui nhất là sau mỗi khi khắc phục xong một sự cố, hoàn thành đóng điện là nghe tiếng đồng thanh phát ra từ mọi nhà “có điện rồi, có điện rồi”, lúc đó mình cũng thấy vui lây, cảm giác hạnh phúc như khi nhà mình có điện”.
Hay như anh Ma Xuân Hòa, công tác tại đội quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp Yên Lập - Điện lực Cẩm Khê có tâm sự rằng: “Trong công việc của mình vào những ngày mưa lũ, nắng nóng công việc đi ghi chỉ số gặp nhiều khó khăn, nhất là có hôm đi ghi chỉ số ở xã Trung Sơn gặp lũ ống, đường giao thông bị chia cắt không đi được, anh em chúng tôi phải chờ nước rút hết mới về đơn vị được. Vất vả là vậy nhưng khi được tiếp xúc với các cô bác, được mời ly nước mát thì dường như mọi sự mệt mỏi đều tan biến và tôi thấy mình càng thêm yêu công việc hơn…”.
Ngoài những công việc chuyên môn các anh đang thực hiện, trong cuộc sống hàng ngày các anh luôn sẵn sàng giúp đỡ bà con địa phương nơi mình công tác thay bóng đèn, sửa chữa quạt và hướng dẫn bà con sử dụng điện sao cho an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Các anh không chỉ làm tròn bổn phận của một người thợ điện với công việc mà còn tạo được lòng tin, sự yêu mến của người dân bằng chính sự nhiệt tình, chân thành của mình.
Công việc dẫu có nhiều khó khăn, vất vả, thế nhưng ở các anh vẫn toát lên sự lạc quan, yêu đời, sự trẻ trung của những người công nhân ngành Điện. Các anh thực sự là những con ong thợ chăm chỉ, cần mẫn không kêu ca, chỉ thấy niềm vui khi hoàn thành công việc đem lại nguồn sáng cho mọi nhà như trong bài thơ “Tự hào người thợ điện” nhà thơ Nguyễn Đức Cường đã viết:
Dù biển rộng sông sâu hay vượt đèo núi cao
Rừng lạnh, đêm thâu hay khi trời giông tố
Vẫn có chúng tôi, những người thợ điện
Lặng lẽ đêm ngày giữ dòng điện yêu thương
Như giữ dòng máu hồng cho mọi miền quê hương.
Tin & ảnh Lê Minh Tuấn - Điện lực Cẩm Khê